Một ngày sau vụ việc ba cô con gái mang xăng đến nhà mẹ đẻ để đốt, căn nhà hai tầng khang trang thuộc thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên vẫn cửa đóng then cài.
Ở đây, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi phải chứng kiến vụ việc đau lòng vì tranh chấp đất đai thừa kế mà đã cạn tình ruột thịt.
“Ngọn lửa đố kỵ”
Dẫn phóng viên đến hiện trường vụ việc, ông Đỗ Quang Lĩnh (họ hàng của gia đình bà Đ) đau xót và cho biết gia đình bà V.T.Đ. (62 tuổi) và ông Đ.Đ.Đ. sinh năm 1963 (đã mất) sinh được bốn người con.

3 cô con gái tẩm xăng đốt nhà mẹ vì tranh chấp đất đai
Các con đều được đặt tên cùng vần Đ. giống bố mẹ, lần lượt là chị Đ.T.Đ. (sinh năm 1982), anh Đ.Đ.Đ. (sinh năm 1986), chị Đ.T.Đ. (sinh năm 1987) và con gái út Đ.T.Đ. (sinh năm 1988).
Tình anh em ruột thịt được thể hiện ngay ở tên gọi, chẳng ai nghĩ sẽ vì mâu thuẫn về tranh chấp đất đai thừa kế mà họ tự dứt đi tình máu mủ.
Một nhân chứng kể lại: sáng 30-10, chứng kiến ba người con gái của bà Đ. xách theo búa to cùng chiếc can bên trong có dung dịch bên trong màu xanh, hầu hết mọi người vẫn không nghĩ đó là xăng. Sau đó, Họ dùng búa đập tường, đòi lại phần đất chưa xây dựng đang xảy ra tranh chấp.
“Khi nghe tiếng tranh cãi, mọi người đều ra xem. Sau đó, người con trai của bà Đ. cầm búa vứt vào góc tường. Lúc sau, tôi thấy cả nhà vào trong đóng cửa nói chuyện. Một lúc nữa thì thấy mọi người hô hào cháy, người đem chăn, người dùng nước dập lửa, nạn nhân chạy ra có người cháy hết cả quần áo, tóc tai, da thịt” – nhân chứng kể.
Từ hôm qua đến nay, người con trai tất tả chạy ngược chạy xuôi lo cho mẹ tại Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội). Tâm trí chưa ổn định với ánh mắt thất thần, anh cho biết vụ việc xảy ra quá nhanh, chẳng ai ngăn kịp ngọn lửa bùng lên. Cánh cổng khóa trái, không ai vào được. Anh phải vùng ra khỏi nhà để mở cổng, kêu cứu hàng xóm láng giềng.
“Quá đau lòng, toàn máu mủ ruột rà của mình nhưng chẳng biết làm thế nào…” – anh Đ. nói.
Anh cho rằng nguyên nhân để xảy ra mâu thuẩn này có lẽ từ lúc gia đình xây nhà mới, từ đó chị em trong gia đình sinh mâu thuẫn, lòng tham, đố kỵ nảy ra. Từ cuối năm 2020, người con gái thứ ba đã có đơn đề nghị hòa giải gửi đến UBND xã Trung Hòa về việc giải quyết phân chia tài sản thừa kế từ người cha để lại.

Người con trai kể lại sự việc đau lòng
Ba lần hòa giải không thành
Trong đơn gửi đến UBND xã Trung Hòa, người con gái thứ ba trình bày ông Đ.Đ.Đ. (người bố) đã qua đời mà không để lại di chúc. Tài sản để lại gồm hai mảnh đất: mảnh thứ nhất ở trong ngõ, cách đường trục chính của làng khoảng 200m, có nhà cấp bốn. Mảnh thứ hai sát mặt đường chính của làng, cả gia đình cùng góp công sức đổ nền để làm nhà ở và hiện đang có nhà mới xây.
Cả ba chị em gái lấy chồng, sinh con và theo chồng. Gia đình không bàn bạc gì nên tài sản thừa kế vẫn chưa được phân chia. Người con thứ ba cho rằng sau đó mẹ và anh trai đã sử dụng di sản thừa kế để làm tài sản riêng.
Đã lập gia đình nhưng vợ chồng xảy ra khúc mắc, bị người chồng cờ bạc đánh đập, chị Đ. đã hàn gắn nhiều lần nhưng không được. Không có chỗ nương tựa, chị về xin mẹ miếng đất xây nhà hoặc dựng lán ở tạm. Cả ba người con gái cũng nhiều lần góp ý với mẹ về việc phân xử, chia cho chị Đ. một mảnh đất để ở và chăm sóc hai con, nhưng người mẹ không đồng ý.
Từ hồ sơ lưu trữ tại UBND xã Trung Hòa cho thấy, kể từ thời điểm con gái bà Đ. gửi đơn đề nghị hòa giải, chính quyền xã đã ba lần đứng ra hòa giải vụ việc.
Đến tháng 4-2022 trong lần hòa giải thứ ba, người mẹ nêu quan điểm: gia đình có hai thửa đất thì thửa đất hiện tại (ở sát mặt đường) bà và con trai đang ở, nếu sau này bà mất đi sẽ để lại cho con trai thờ cúng. Còn thửa đất phía trong bà sẵn sàng cho ba cô con gái.
Tuy nhiên, người con gái thứ ba nhất quyết không đồng ý nhận thửa đất phía trong và bày tỏ mong muốn mẹ chia thửa đất phía ngoài cho ba chị em để còn kinh doanh, sinh sống.
Không tìm được tiếng nói chung, gia đình đã nhất trí xin về nhà để tự hòa giải.
Trao đổi với Phóng Viên, ông Đỗ Trọng Hoạch – chủ tịch UBND xã Trung Hòa – cho biết trong những lần hòa giải, chính quyền địa phương đã phân tích kỹ lưỡng nếu tài sản đó chia theo quyền lợi thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề, dẫn đến tình cảm gia đình rạn nứt, không hàn gắn được. Nếu tự nguyện giải quyết bằng tình cảm với nhau mới giải quyết căn cơ, nguồn gốc của vấn đề mâu thuẫn.
Ông Hoạch cho biết, sau lần hòa giải thứ ba không thấy gia đình thông tin phản hồi lại, cũng không xảy ra mâu thuẫn gì. Tuy nhiên, đến ngày 30-10 vừa qua lại xảy ra vụ việc đau lòng nói trên.
Thông tin từ Viện Bỏng quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay viện đang điều trị cho bốn bệnh nhân liên quan đến vụ đốt xăng tại tỉnh Hưng Yên.
Trong đó, có ba bệnh nhân bị bỏng sâu trên diện rộng, đang được điều trị chống sốc, nhiễm trùng, tiên lượng xấu, một người bỏng nhẹ hiện đang điều trị hồi sức. Bên cạnh đó các bệnh nhân đều gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí điều trị. (DƯƠNG LIỄU)